Hội nghị Công tác công nhận năm 2023 của Văn phòng Công nhận chất lượng

Ngày 27/10/2023, Văn phòng Công nhận Chất lượng (CNCL) tổ chức Hội nghị Công tác Công nhận năm 2023 tại Hà Nội.

Hội nghị rất vinh dự được đón Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang; Lãnh đạo một số Vụ, Viện và Trung tâm của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Lãnh đạo Viện An toàn Vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, các cơ quan truyền thông, phóng viên Bộ KHCN, lãnh đạo các đơn vị là khách hàng của BoA, đại diện lãnh đạo các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Hội nghị cũng đã thu hút hơn 400 đại biểu đến từ các Phòng thí nghiệm/ phòng hiệu chuẩn, Phòng xét nghiệm, Tổ chức chứng nhận, Tổ chức giám định, Tổ chức cung cấp dịch vụ thử nghiệm thành thạo được công nhận và các tổ chức có liên quan, trong đó có gần 300 đại biểu tham dự trực tiếp, hơn 100 đại biểu tham dự trực tuyến trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang và các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Từ khi thành lập năm 1995 đến nay, đây là hoạt động thường kỳ của văn phòng CNCL, là dịp để tỏ lòng tri ân những đóng góp của các khách hàng đối với hoạt động đánh giá công nhận. Đồng thời, Hội nghị cũng là diễn đàn để văn phòng CNCL và các khách hàng trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá công nhận, học tập kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhận định “Hoạt động công nhận ngày càng có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế, đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để hoạt động công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp được thực hiện bảo đảm tính khách quan, thống nhất, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam, việc thường xuyên tổ chức các buổi Hội nghị gặp gỡ, trao đổi thảo luận với khách hàng là rất quan trọng và cần thiết”.

Thứ Trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Văn phòng CNCL và đánh giá cao sự tham gia đóng góp của các khách hàng cho Văn phòng trong việc triển khai các hoạt động đánh giá, công nhận. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, thời gian qua trong bối cảnh tình hình kinh tế và thế giới có nhiều diễn biến khó khăn, tuy nhiên Văn phòng CNCL là một trong những đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có kết quả hoạt động tốt với chức năng nhiệm vụ được giao và trong việc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, với khách hàng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị Văn phòng CNCL tiếp tục cải tiến hơn nữa
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ và Văn phòng CNCL mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các khách hàng và hy vọng thông qua Hội nghị, Văn phòng CNCL và các đại biểu tham dự sẽ có những chia sẻ, thảo luận để Văn phòng tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá công nhận, góp phần nâng cao chất lượng và vị thế của nền khoa học và công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chương trình Hội nghị diễn ra trong một ngày với nhiều nội dung trao đổi, thảo luận chuyên sâu thông qua các bài tham luận của Lãnh đạo văn phòng CNCL và đại biểu tham dự.
Mở đầu phần tham luận, trong báo cáo về tình hình hoạt động công nhận của Văn phòng, Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Văn phòng CNCL cho biết: “Tính đến ngày 15/10/2023, Văn phòng CNCL đã tiến hành đánh giá và công nhận năng lực cho 1868 tổ chức đánh giá sự phù hợp. Số lượng các tổ chức đánh giá sự phù hợp tăng đều qua các năm. Các khách hàng của Văn phòng phủ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó các địa phương có nhiều tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận nhất là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng”.

Bà Trần Thị Thu Hà – Giám đốc Văn phòng CNCL trình bày báo cáo hoạt động công nhận
 
Năm 2023, Văn phòng CNCL tiếp tục duy trì ổn định và triển khai các hoạt động đánh giá, công nhận, đào tạo cùng chính sách phù hợp, linh hoạt với nhiều chương trình công nhận mới như: PTP, RMP, MDMS, POCT. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Văn phòng tích cực và chủ động tham gia các hoạt động hợp tác song phương với các cơ quan công nhận tại Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei; hợp tác đa phương thông qua các cuộc đánh giá đồng đẳng của APAC và các hội nghị quốc tế về công nhận. Bên cạnh đó, duy trì các cuộc trao đổi hợp tác, cập nhật thường xuyên các quy định mới, các tài liệu mới của các tổ chức quốc tế (ILAC, IAF, APAC, CPSC, WG2-ACCSQ…). Văn phòng cử các chuyên gia đánh giá tham gia các khóa đào tạo của APAC, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý của các Bộ, ngành và ký thỏa thuận hợp tác với các cơ quan chức năng như Viện Đo lường Việt Nam, Văn phòng Chứng chỉ rừng.
 
Trao đổi về định hướng phát triển của Văn phòng trong thời gian tới, Bà Trần Thị Thu Hà cho biết Văn phòng phấn đấu là Cơ quan công nhận Quốc gia - một trong các tổ chức công nhận trong nhóm đầu khu vực; tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế; nâng cao mức độ thừa nhận của các Bộ, Ngành; xây dựng Văn phòng CNCL là tổ chức có chất lượng dịch vụ cao, có trách nhiệm xã hội trong hoạt động công nhận. Cùng với đó, Văn phòng CNCL cải tiến liên tục các thủ tục đánh giá; mở rộng nhanh các lĩnh vực công nhận mới theo yêu cầu của cơ quan quản lý và nhu cầu của xã hội; tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, giúp năng cao năng lực kỹ thuật của các tổ chức được công nhận.

Bà Trần Thị Thu Hà – Giám đốc Văn phòng CNCL
cho biết Văn phòng CNCL cố gắng
 phấn đấu trở thành cơ quan công nhận quốc gia
- một trong những tổ chức công nhận trong nhóm đầu khu vực

 
Theo đó, Văn phòng đã bước đầu triển khai áp dụng phần mềm quản lý, điều hành hoạt động nghiệp vụ. Sau khi phần mềm đi vào vận hành ổn định sẽ góp phần đẩy nhanh thời gian xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi cho quá trình lên kế hoạch đánh giá cũng như rút ngắn thời gian cấp các quyết định công nhận, chứng chỉ công nhận cho khách hàng.
 
Sắp tới đây, Văn phòng cũng sẽ triển khai áp dụng QR code trên các chứng chỉ công nhận. Khi quét mã QR code sẽ liên kết trực tiếp đến phụ lục công nhận, giúp khách hàng tra cứu thông tin trên website của Văn phòng CNCL dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Văn phòng sẽ tiến tới thay đổi chu kỳ công nhận là 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu và khách mời tham dự cũng được nghe 6 tham luận của các Báo cáo viên thảo luận, đi sâu phân tích thực trạng, cập nhật những tình hình, xu thế trong nước, trong khu vực và quốc tế, thuận lợi khó khăn và thách thức đặt ra cũng giải pháp xoay quanh các hoạt động công nhận, đánh giá sự phù hợp hiện nay.

Công nhận là một trong những cấu phần quan trọng của Hạ tầng chất lượng Quốc gia (NQI), giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định. Bên cạnh đó, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp và công tác bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Là nền tảng cho sự thúc đẩy thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các nước, trong khu vực và quốc tế.
 
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng, Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy
trình bày tham luận về Vai trò của hoạt động công nhận trong quá trình đánh giá sự phù hợp

 
Hiện nay, trong xu hướng hội nhập quốc tế, việc ký kết các hiệp định giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung ngày càng phổ biến, trong đó quy định về thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp ngày càng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Các tổ chức công nhận đã hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc xác định, đảm bảo năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tuân theo nguyên tắc thống nhất chung của ISO/IEC.

Ông Đỗ Hồng Khanh, Trưởng phòng Kế hoạch - Cục Bảo vệ thực Vật, Bộ NN&PT Nông thôn
trình bày tham luận về Vai trò của hoạt động công nhận đối với công tác quản lý nhà nước về đánh giá sự phù hợp

 
Tiêu chuẩn ISO 15189 là tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế. Khi áp dụng tiêu chuẩn này, phòng xét nghiệm giảm được số mẫu bị từ chối, giảm số lượng các sai sót trong quá trình xét nghiệm, làm tăng tỷ lệ hài lòng của khách hàng và đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Đây là tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu đang được các phòng xét nghiệm áp dụng trên toàn thế giới.
PGS.TS. Lý Tuấn Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108
trình bày tham luận về Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 15189 tại Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viên Trung ương quân đội 108

 
Hoạt động công nhận là cơ sở để để thừa nhận lẫn nhau về kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn giữa các quốc gia khác nhau và các khu vực khác nhau với khẩu hiệu“một nơi cấp chứng chỉ sẽ được nhiều nơi khác thừa nhận. Tăng cường quản lý các hoạt động thử nghiệm và hiệu chuẩn tại Việt Nam. Là điều kiện cần để tham gia vào các thỏa thuận thừa nhận song phương và đa phương về đo lường. Tạo điều kiện thuận lợi trong thương mại và kinh doanh trong và ngoài nước thông qua việc thừa nhận kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn trong và ngoài nước. Theo ông Thắng, Viện Đo lường Việt Nam và Văn phòng CNCL cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tổ chức các chương trình so sánh liên phòng đối với lĩnh vực đo lường hiệu chuẩn.

Ông Nguyễn Nam Thắng, Trưởng phòng Phòng đo lường áp suất, Viện Đo lường Việt Nam
trình bày tham luận về Vai trò và ý nghĩa của công nhận đối với hoạt động đo lường, hiệu chuẩn của VMI

 
Hiện tại tỷ lệ áp dung phương pháp tiêu chuẩn trong các Phòng thí nghiệm được công nhận chiếm trên 80% do qui định quản lý của các Cơ quan quản lý Quốc gia và các nước nhập khẩu hàng hoá, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường ... ban hành Qui chuẩn Việt Nam để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, môi trường và Yêu cầu thử nghiệm các thông số kiểm soát trong qui chuẩn đề cập phương pháp thử tiêu chuẩn.
Ông Đặng Quốc Quân Phó Giám đốc Văn phòng CNCL
Áp dụng phương pháp tiêu chuẩn trong phòng thí nghiệm phục vụ  quản lý nhà nước và đẩy mạnh thương mại toàn cầu"

 
Đảm bảo các quá trình được thực hiện một cách hiệu quả. Chứng minh năng lực với khách hàng, cơ quan quản lý. Sự chính xác của kết quả mang lại giá trị, giảm tốn kém do phải làm lại. Thể hiện sự minh bạch, khách quan và đảm bảo bảo mật cho khách hàng theo luật định. Khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Thừa nhận ở nhiều nơi. Thuận lợi trong cung cấp dịch vụ và thương mại. Giảm rủi ro trong các hoạt động, tăng tính liên tục và bền vững.

Bà Lê Thị Phương Thảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia
trình bày tham luận về Vai trò công nhận đồi với các hoạt động của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩn quốc gia

 
Hoạt động công nhận giúp doanh nghiệp mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy thâm nhập thị trường, cải tiến an toàn, hiệu quả, năng suất và phát triển bền vững, xây dựng niềm tin với khách hàng.
Ông Bùi Tuấn Anh, Giám đốc chất lượng và cải tiến năng suất, Công ty SGS Việt Nam TNHH
trình bày tham luận về Lợi ích của công nhận đối với hoạt động của Công ty SGS Việt nam TNHH

 
Sau phần trình bày của các Báo cáo viên, Hội nghị đã nghe 30 lượt ý kiến trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giữa các khách hàng và Văn phòng CNCL. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, nhiều khách mời gửi câu hỏi và đăng ký phát biểu với các nội dung thảo luận phong phú, đa dạng, sâu sắc, đề xuất nhiều sáng kiến đóng góp cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá, công nhận của Văn phòng.

Các Báo cáo viên tại phiên thảo luận
 
Hội nghị cũng gửi tới các đại biểu Thông điệp về ngày công nhận thế giới 9/6/2023 “Công nhận: Hỗ trợ thương mại toàn cầu trong tương lai”. Các tiêu chuẩn và chứng nhận đã và đang có những ảnh hưởng tích cực đến thương mại cả trong và ngoài nước, đặt ra nhu cầu tiếp tục sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của các ngành công nghiệp và để hỗ trợ các   hệ thống thương mại trong tương lai. Các tiêu chuẩn này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững liên quan tới thương mại cụ thể là SDG 1: Xóa nghèo, SDG 2: Không còn nạn đói, SDG 3: Sức khỏe và có cuộc sống tốt, SDG 5: Bình đẳng giới, SDG 8: Công việc tốt và Phát triển kinh tế, SDG 9: Công nghiệp, Sáng tạo và Phát triển hạ tầng, SDG 10: Giảm bất bình đằng, SDG 14: Tài nguyên và Môi trường biển và SDG 17: Quan hệ đối tác vì các mục tiêu.
 
Hình ảnh thông điệp ngày công nhận thế giới 9/6/2023 “Công nhận: Hỗ trợ thương mại toàn cầu trong tương lai”
 
Kết thúc hội nghị, Văn phòng công nhận chất lượng cùng các đại biểu và khách mời đã có những nội dung chia sẻ quý báu, và đồng thời càng thắt chặt mối quan hệ gắn bó, cùng nhau phấn đấu đạt được những thành tựu rực rỡ trong thời gian tới với mục tiêu phục vụ cho lợi ích xã hội và cộng đồng.
Hình ảnh tập thể Lãnh đạo, cán bộ, viên chức Văn phòng Công nhận chất lượng tại Hội nghị
© 2016 by BoA. All right reserved